Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Thanh Long ra hoa trái vụ

XỬ LÝ THANH LONG RA HOA TRÁI VỤ BẰNG ĐÈN COMPACT
   Đó là kết luận tại hội thảo sơ kết mô hình: “Ứng dụng đèn tiết kiệm điện năng Compact cho thanh long ra hoa trái vụ” do Trung tâm phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Thuận (SEDEC) phối hợp với Hội Nông dân Bình Thuận và Cty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tổ chức gần đây.
   Thanh long là loại cây thuộc họ xương rồng chịu nóng hạn rất tốt. Theo tài liệu nghiên cứu khoa học, thanh long cho 3 loại quả: Loại ruột trắng vỏ hồng hoặc đỏ (Hylocereus undatus), loại ruột đỏ vỏ hồng hoặc đỏ (Hylocereus polyrhizus) và loại ruột trắng vỏ vàng (Selenicereusmaganlanthus).
   Ở Việt Nam, thanh long được người Pháp mang giống vào trồng từ cuối thế kỷ 19. Hiện nay, loại cây này được trồng nhiều ở các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Năm 2007, Bình Thuận đã được “Sách Kỷ lục Việt nam” (Vietnam Records Book) ghi nhận là tỉnh có diện tích trồng thanh long nhiều nhất nước. Theo số liệu báo cáo của Trung tâm nghiên cứu cây thanh long Bình Thuận thì chỉ riêng năm 2007, diện tích trồng mới cây thanh long lên đến 2.721 ha (kế hoạch là 700 ha), nâng tổng diện tích cây thanh long của tỉnh lên hơn 9.500 ha (theo kế hoạch, đến năm 2010 là 10.000 ha), tập trung chủ yếu ở huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Trước đây, thanh long chỉ được trồng ở những khu vực đất cằn cỗi, thiếu nước và được xem là cây "xóa đói giảm nghèo” nhưng trong khoảng 2 năm trở lại đây, nó đã trở thành cây “làm giàu” của nông dân Bình Thuận và được xác định là cây “chiến lược” trong cơ cấu chuyển đổi cây trồng vật nuôi của tỉnh. Năm 2006, Bình Thuận đã đuợc Bộ KH-CN trao quyết định công nhận tên gọi xuất xứ hàng hoá Bình Thuận cho quả thanh long và được nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
   Mô hình thử nghiệm ứng dụng đèn compact cho thanh long ra hoa trái vụThanh long ra hoa vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8, sau khi nở khoảng 2-3 ngày thì hoa tàn và kết trái và khoảng 1 tháng thì có thể thu hoạch trái. Tuy nhiên, vào mùa chính vụ này, giá bán thanh long rẻ nên bà con nông dân thường ít quan tâm chăm sóc mà chủ yếu tập trung chăm sóc nhiều vào mùa trái vụ (chong đèn). Nông dân thường sử dụng đèn tròn dây tóc có công suất 60W và 75W để kích cho thanh long ra hoa. Đại diện các hộ trồng thanh long ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Cứ mỗi năm bà con chong đèn 3 đợt: Đợt 1 bắt đầu từ tháng 10-12 với thời gian từ 10-12 đêm/đợt và thời lượng 8 giờ mỗi đêm. Đợt 2 (tháng 12-1) do trời lạnh hơn nên thời gian chong đèn sẽ kéo dài hơn, từ 15-20 đêm/đợt cũng với 8 giờ mỗi đêm. Đợt 3 (tháng 1-3) thì thời gian chong ngắn lại, từ 10-15 đêm/đợt và thời lượng cũng 8 giờ/đợt”. Nếu như vào mùa chính vụ, giá thanh long chỉ khoảng 1.000 – 3.000 đồng/kg, thì vào mùa trái vụ thanh long có giá lên đến 10.000 – 12.000 đồng/kg.
   Rõ ràng là hiệu quả kinh tế của việc chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ là rất lớn, nó mang lại thu nhập cao cho người trồng thanh long. Tuy nhiên, cứ 1 ha thanh long cần khoảng 1.000 bóng đèn loại 60W, chong trung bình 10 giờ mỗi đêm, chong liên tục trong 15 đêm và nếu như diện tích trồng chuyên canh ở Bình Thuận là 5.000 ha, thì lượng điện năng tiêu thụ cho việc chong đèn này không hề nhỏ tí nào. Được biết, tính đến nay, điện lực Bình Thuận đã phải xây dựng trên 1.600 trạm điện cao thế với tổng dung lượng khoảng 110.600 kVA để phục vụ cho việc chong đèn cây thanh long.
   Để giải quyết bài toán “tiết kiệm điện” trong việc chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ,  SEDEC đã cùng với Hội Nông dân tỉnh và Cty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thử nghiệm ứng dụng đèn compact (loại 20W, 3U, có ánh sáng vàng) thay thế loại bóng đèn tròn dây tóc 60W và 75W của nông dân hiện đang sử dụng để xử lý cho thanh long ra hoa trái vụ. Mô hình được bố trí thử nghiệm ở xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc và xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam. Số hộ tham gia thử nghiệm là 24 hộ (mỗi xã 12 hộ), với tổng diện tích là 2.4ha (mỗi hộ 0.1ha), sử dụng 1.200 bóng đèn compact và 1.200 bóng đèn tròn dây tóc để đối chứng.
   Các thông số kỹ thuật tại mô hình thử nghiệm như sau:


Thông số
Đèn tròn (A)
Đèn compact (B)
So sánh B và A
Số lượng đèn
100
100
Bằng nhau
Đơn giá
3.000
28.500
Cao hơn
Tuổi thọ đèn
1.000 giờ , tương đương 10 chu kỳ chiếu sáng)
6.000 giờ, tương đương 60 chu kỳ chiếu sáng)
Cao hơn
Công suất hệ thống
7,5 kW
2,0 kW
Giảm 73,3%
Điện năng tiêu thụ trong 1 chu kỳ
693 kWh
182 kWh
Giảm 73,8%
(511 kWh)
Độ rọi trung bình
23 lux
39 lux
Cao hơn
Số hoa thanh long trên 1 trụ
23 - 25
21 - 22
88-91% (không ảnh hưởng lớn đến năng suất)

(Nguồn: Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, 2007. Báo cáo tham luận tại hội thảo)
   Như vậy, với cùng phương pháp chăm sóc và thời lượng chong đèn như nhau, năng suất thanh long thu hoạch từ vườn ứng dụng đèn compact chỉ thấp hơn khoảng 10% so với vườn sử dụng bóng đèn tròn dây tóc. Tuy giá đèn compact cao hơn nhiều so với đèn tròn nhưng tuổi thọ của đèn compact lại cao hơn đèn tròn gấp 6 lần. Đặc biệt, lượng điện năng tiêu thụ ở vườn ứng dụng điện compact đã giảm trên 70% so với vườn sử dụng bóng đèn tròn. Đây quả là đáp án của bài toán “tiết kiệm điện” trong khi hiện nay cả nước đang có thể thiếu đến 1.600 MW mỗi ngày.
   Hiện SEDEC đang tiếp tục lập lại thử nghiệm trên nhiều hộ khác nhau để có được kết quả tin cậy hơn trước khi khuyến khích nông dân áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, một khi diện tích trồng thanh long đang phát triển mạnh và bà con nông dân tập trung nhiều vào sản xuất thanh long trái vụ để có thu nhập cao như hiện nay thì các ngành chức năng của tỉnh nên giúp nông dân trong việc nghiên cứu kỹ thị trường tiêu thụ và đồng thời cũng cần có giải pháp phù hợp cho việc phát triển loại cây làm giàu này, tránh khai thác triệt để cây thanh long làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cây và một khi “cung đã vượt quá cầu” thì giá thanh long mùa trái vụ lại trở về … với giá mùa chính vụ và đời sống nông dân lúc đó lại lao đao, vất vả.
                                                                                                                         Theo NNV

Cho thanh long ra hoa trái vụ không cần chong đèn 
Nhiều nông dân trồng thanh long Bình Thuận xử lý thanh long ra hoa trái vụ không cần chong đèn bằng hỗn hợp dinh dưỡng VSL-1 và VSL-2 do VACDONA (ấp 8 xã An Phước, Long Thành, Đồng Nai, ĐT: 061.511086) cung cấp. Cây thanh long cho trái không bị suy nhược, thời gian neo trái lâu hơn so với chong đèn 10 - 15 ngày, trái không bị nứt, xử lý được theo ý muốn và dự định thời gian thu hoạch. Đặc biệt là tiết kiệm rất lớn so với cách chong đèn.
Anh Phan Bảo Long, Chủ nhiệm HTX dịch vụ thanh long hữu cơ Bình Thuận cho biết, chấm trực tiếp VSL-1 vào mắt thanh long, kích thích để cây ra hoa như chính vụ. Thời gian làm trái vụ từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Nhiệt độ thích ứng dùng VSL-1 là 25 - 370C, chấm hỗn hợp này trước khi mưa 2 giờ. Tuổi cây thanh long phải 3 năm trở lên và sung tốt. Sau khi chấm  VSL-1 khoảng 22 - 25 ngày thì bông nở. Và khoảng 36 - 40 ngày trái chín.

Trước khi thực hiện cần lưu ý: Bón phân NPK có lân và kali cao để cây thanh long sung sức sớm tạo ra các mầm bông, sau đó sử dụng thêm phân bón lá VSL-2 cho mắt sưng lên (xử lý cho thanh long “có chửa”). Tiếp theo dùng dao bóc lớp biểu bì bao bọc mầm bông và chấm lại VSL-1 (cho thanh long “đẻ”).

Nguồn: Khoa học phổ thông, 30/06/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét