Xử lý vú sữa nghịch mùa cho thu nhập cao
Ông Huỳnh Văn Sơn ở ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy là một trong những nông dân đầu tiên của tỉnh xử lý thành công vú sữa nghịch mùa cho thu nhập cao.
Năm 1994, gia đình ông có 8 công đất trồng nhãn tiêu quế, sau khi cây nhãn rớt giá ông Sơn mạnh dạn đốn bỏ, trồng 100 gốc vú sữa Lò Rèn. Năm 2004, vườn vú sữa cho thu nhập ổn định, nhưng theo ông Sơn nếu để vú sữa theo mùa thì hàng dội chợ, bán giá không cao. Qua tập huấn khuyến nông, học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp, năm 2006 ông Sơn xử lý vườn vú sữa cho ra hoa trái vụ bằng cách xiết nước cạn các mương trong vườn, sau đó tưới chế phẩm thuốc sinh học kích thích cho cây ra hoa, kết quả thu hoạch 3 tấn trái, giá bình quân 5.000 đồng/kg, trừ chi phí ông thu lãi 130 triệu đồng. Cũng với cách làm này, năm 2007 ông thu lãi 150 triệu đồng. Năm 2008, ông thu 3,5 tấn trái, giá bán 7.200 đồng/kg, thu lãi 252 triệu đồng. Riêng vụ vú sữa nghịch năm 2009 sắp thu hoạch, ông Sơn dự đoán năng suất sẽ cao hơn các vụ trước, do cây "sung túc" và cho trái sớm hơn, giá đang ở mức cao, hứa hẹn mùa bội thu.
Nhằm xử lý vú sữa cho năng suất, sản lượng cao trong mùa nghịch, đồng thời chống cây suy, theo ông Sơn phải bón phân cân đối giữa đạm, kali, lân và hữu cơ hóa nông cùng với phân dơi chia làm nhiều đợt trong năm. Tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây mà chủ động bón phân cho thích hợp, đồng thời xử lý các loại thuốc bảo vệ thực vật theo định kỳ từ 15 ngày - 1 tháng/lần, hạn chế sâu đục thân, nấm bệnh gây hại trái non. Trước khi bón phân làm gốc phải tưới nước cho ướt đất, sau đó tưới liên tục 3 ngày để phân thấm vào gốc cây, cung cấp dinh dưỡng kịp thời để cây phát triển, hạn chế lượng phân thất thoát.
Thực tế cho thấy việc xử lý cây ra hoa trái vụ cho thu nhập cao đã là khó, nhiều diện tích vườn sau khi thu hoạch cây có dấu hiệu suy kiệt, dẫn đến chết cây hoặc không còn khả năng cho trái những vụ tiếp theo. Vì vậy, việc chăm sóc, chống cây suy sau khi thu hoạch, giúp cây phát triển xanh tốt, năng suất năm sau cao hơn năm trước là điều không phải dễ. Nhờ áp dụng đúng các qui trình kỹ thuật trong sản xuất như: thiết kế mô hợp lý, bón phân cân đối, xử lý đất, tạo tán, tỉa cành nên vụ vú sữa nghịch nào ông Sơn cũng thành công. Nói về kỹ thuật xử lý cây ra hoa trái vụ, chống cây suy, ông Huỳnh Văn Sơn cho biết:"Qua thực tế sản xuất , tôi nhận thấy, để vườn vú sữa không bị suy cần phải có mương thoát nước, thoát phèn tốt, sau khi tưới xả phải rút nước thật khô, không còn nước đọng vũng trong vườn, vườn bón nhiều phân hữu cơ, bón ít phân hoá học, sau khi bón phân phải tưới nước đầy đủ để không làm cháy rễ cám".
Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, ông Huỳnh Văn Sơn ở ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Long thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều năm liền đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi" cấp tỉnh, "Gia đình văn hóa" tiêu biểu, gương mẫu thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét