Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Sẽ thay thế được các bộ phận “hư hỏng” nơi con người?

Ảnh: Đẹp như những đóa hoa hồng nhưng thực sự đây là những tế bào mỡ đang được chuẩn bị để chuyển hóa thành tế bào gốc
Đây quả là ước mơ ngàn đời của loài người. Nhưng nay thì ước mơ này có thể sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần, bởi mới đây các nhà khoa học Australia đã thành công bước đầu trong việc nghiên cứu sử dụng tế bào mỡ hoặc xương đã trưởng thành để tạo thành vô vàn tế bào gốc. Điều đặc biệt là các tế bào này vẫn giữ được tiềm năng chữa trị lớn lao như tế bào gốc từ phôi người. Tức là có khả năng tái tạo tất cả các loại mô bị hư hỏng do chấn thương, do bệnh tật hoặc chỉ đơn giản là do lão hóa...
Công trình này được thực hiện do đội ngũ của GS. John Pimanda tại Đại học New South Wales (Australia). Chỉ cần trích lấy vài mảnh nhỏ các tế bào trưởng thành của chuột như mỡ hoặc xương, xử lý trong hai ngày bằng azacytidine là một vật chất có tính năng xóa bỏ phần nào bộ nhớ của tế bào, nói cách khác là đặt trở về mức 0 quá trình điều chỉnh biểu sinh can dự vào quy trình phát triển của tế bào trên bề mặt gen (là quy trình giúp cho tế bào gốc chuyển hóa thành tế bào trưởng thành).
Các tế bào này sau đó được nuôi trong phòng thí nghiệm trong hai tuần, kết hợp với một tác nhân tăng trưởng được chuyển hóa từ các tiểu cầu có tên PDGF, rồi đưa vào vùng đĩa đệm cột sống đã bị tổn thương của chuột. Kết quả mỹ mãn, vùng cột sống tổn thương của chuột đã hoàn toàn bình phục.
Các nhà nghiên cứu cho biết, điều kỳ diệu là những tế bào gốc này có thể phát triển thành các mô như ý muốn, tùy thuộc vào khu vực được chích vào cơ thể. Được đặt tên là IMC (Induced Multipotent Cells - tạm dịch tế bào đa năng được định hướng) các tế bào này có hoạt động y như các tế bào đa năng của loài kỳ nhông với khả năng tái tạo hoàn toàn các cơ phận bị cắt đứt như chân tay, xương, cơ bắp, da... 
Điều kỳ diệu nữa là với IMC, y khoa còn tránh được nguy cơ phát triển thành khối u như vẫn thường quan sát thấy được trong các trường hợp xử lý bằng phôi người.
Ngoài ra, giới y khoa cũng không còn phải lo ngại về vấn đề đạo đức như trước nay nữa khi các tế bào gốc vốn được trích lấy từ phôi người.
Hiện nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm tế bào IMC của người để phục hồi các vùng bị tổn thương của chuột và dự kiến sẽ thực hiện trên người vào năm 2017 mà trước tiên là nhằm phục hồi các tổn thương về đĩa đệm, các trường hợp cấy ghép phức tạp về xương, khớp. Được biết, hiện nay các cuộc phẫu thuật về cột sống chỉ mới đạt thành công có 20 %.
Cũng cần biết thêm là mới đây, cảm hứng từ kỹ thuật tái lập trình tế bào trưởng thành của các TS. Shinya Yamanaka (Nhật Bản) và John Gurdon (Anh Quốc), đã đoạt giải Nobel Y học năm 2012, về công trình biến đổi tế bào trưởng thành thành tế bào gốc, nhà nghiên cứu Carlos Simon tại Viện Nghiên cứu về vô sinh Valencia (Tây Ban Nha) phối hợp cùng Đại học Stanford (Mỹ) đã tái lập trình tế bào da để tạo ra... tinh trùng. Bằng cách tiêm vào da một hỗn hợp các gen cần thiết cho việc tạo ra các giao tử, chỉ trong vòng một tháng, các tế bào da được biến đổi thành tế bào gốc có thể cung cấp tinh trùng hoặc trứng, tuy vẫn chưa có khả năng thụ thai. GS. Carlos Simon cho biết, “Trên thế giới hiện nay có khoảng 15 % cặp vợ chồng gặp vấn đề về vô sinh nhưng vẫn mong muốn có được một đứa con từ chính mình chứ không phải từ trứng hoặc tinh trùng của người khác hiến tặng. Đây là một tinh trùng tuy vẫn còn phải cần một giai đoạn trưởng thành hơn nữa để trở thành một giao tử. Đây mới chỉ là bước khởi đầu”.
Vậy là trong tương lai rất gần, không chỉ sản xuất được tinh trùng mà toàn bộ những mô hư hỏng trên cơ thể chúng ta đều có thể được sửa chữa...
Sơ đồ quy trình chuyển hóa mỡ thành tế bào gốc để phục hồi vùng bị tổn thương trên cơ thể:
- trích lấy tế bào mỡ (1)
- xử lý bằng azacytidine trong hai ngày (2)
- tế bào được tác động bằng tác nhân tăng trưởng PDGF trong hai tuần để phát triển (3)
- chuyển hóa thành tế bào gốc (4)
- tế bào gốc được tiêm vào khu vực bị tổn thương để phục hồi (5)

BS. TRẦN XUÂN SÁNG
 theo http://www.khoahocphothong.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét